Camera điện thoại ngày nay cho chất lượng ảnh chụp vô cùng ấn tượng, nhưng luôn có những cách có thể giúp chúng trở nên tốt hơn nữa – đặc biệt là về mặt phần mềm.
Và dù ứng dụng camera được cài đặt sẵn trên điện thoại của bạn thường đã đáp ứng đủ nhu cầu, có rất nhiều ứng dụng bên thứ ba với hàng loạt những công cụ và tính năng mới mẻ chờ đợi bạn khám phá.
Vì sao nên sử dụng ứng dụng camera bên thứ ba?
– Kiểm soát thông số thủ công: hầu hết các ứng dụng camera có sẵn sẽ tự động điều khiển ISO, độ phơi sáng, và điểm lấy nét cho bạn. Dù chúng thường khá chính xác, đôi lúc bạn vẫn muốn tự mình kiểm soát mọi thông số trong quá trình chụp ảnh.
– Các thiết lập chuyên sâu: một số ứng dụng camera có sẵn có phần thiết lập khá hạn chế, nhưng các ứng dụng bên thứ ba lại mang đến nhiều tuỳ chọn mở rộng hơn. Dù bạn muốn thay đổi vị trí lưu tập tin hay định dạng của bức ảnh, chất lượng ảnh chụp, giao diện ứng dụng…, một ứng dụng camera mạnh mẽ sẽ cho phép bạn tinh chỉnh mọi thứ tuỳ sở thích.
– Các bộ lọc thời gian thực: áp dụng các bộ lọc lên hình ảnh không còn là điều gì đó mới mẻ, nhưng nếu bạn muốn thấy ảnh sắp chụp sẽ ra sao với một bộ lọc cụ thể trước khi nhấn nút chụp? Đó là lúc bạn cần đến tính năng bộ lọc thời gian thực, bởi chúng cho phép bạn chắc chắn mọi thứ đúng như ý định trước khi chụp.
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cũng đáng được đề cập đến, khi mà một vài trong số chúng được tích hợp các chế độ camera cơ bản (như Adobe Lightroom chẳng hạn). Trong danh sách dưới đây, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào các ứng dụng cung cấp các tính năng camera thú vị, nhưng dù sao đi nữa thì một ứng dụng chỉnh sửa ảnh tốt vẫn luôn là một công cụ quan trọng mà bất kỳ nhiếp ảnh gia di động nào cũng phải có.
Với người dùng điện thoại Pixel của Google, bạn cần biết rằng chỉ một số ứng dụng camera bên thứ ba tận dụng được Visual Core – con chip bên trong các điện thoại Pixel với chức năng tăng cường chất lượng hình ảnh. Điều đó không đồng nghĩa ảnh chụp sẽ trông xấu xí nếu không có chức năng này, nhưng chúng cũng sẽ không tuyệt đẹp như bạn vẫn thường thấy.
7 ứng dụng camera bên thứ ba nên dùng
Tùy chỉnh chuyên sâu nhất – Open Camera
Nếu bạn đang tìm một ứng dụng camera cho phép tinh chỉnh mọi thứ theo ý thích, thì Open Camera là lựa chọn của bạn. Nó không chỉ cung cấp khả năng kiểm soát thủ công các thông số độ phơi sáng và điểm lấy nét, mà còn sở hữu một loạt các tuỳ chọn trong phần cài đặt để bạn khám phá. Bạn có thể bật/tắt các phần trên giao diện (như theo dõi khuôn mặt chẳng hạn), gán phím âm lượng thành nút chụp, điều chỉnh mức zoom, thay đổi vị trí lưu tập tin và định dạng hình ảnh, cùng nhiều thứ khác.
Quan trọng hơn, Open Camera là ứng dụng mã nguồn mở, có nghĩa nó hoàn toàn miễn phí, và bất kỳ ai với kiến thức về lập trình cũng có thể tham gia điều chỉnh mã nguồn của nó để thêm vào nhiều tính năng mới.
Kiểm soát hoàn toàn quá trình chụp ảnh – ProCam X
ProCam X nổi tiếng với việc cho phép người dùng tự tay tinh chỉnh mọi khía cảnh trong bức ảnh. Điểm lấy nét, ISO, và độ phơi sáng, tất cả đều dễ dàng truy cập được trên màn hình chính của ứng dụng, bạn chẳng phải mò mẫm trong menu khi chụp ảnh. Bạn cũng có thể dễ dàng tinh chỉnh định dạng tập tin và chất lượng ảnh chụp trong menu xổ xuống.
ProCam X có giá 4,99 USD. Ngoài ra nó còn có một phiên bản “Lite” hoàn toàn miễn phí, nhưng giới hạn độ phân giải ảnh chụp ở mức 8MP, độ phân giải video ở mức 1080p, và thời lượng quay tối đa là 5 phút.
Chụp ảnh đen trắng – Hypocam
Nhiếp ảnh đen trắng mang lại cảm xúc sâu sắc hơn nhiều so với những gì nó thể hiện, và Hypocam được phát triển nhằm cung cấp cho bạn mọi công cụ cần thiết để chụp được những bức ảnh đơn sắc tuyệt đẹp đó. Bạn có thể tinh chỉnh shadows, highlights, và sử dụng nhiều bộ lọc để đạt được kết quả mong muốn, hoặc sử dụng một preset nhằm đơn giản hoá quy trình sáng tạo. Ứng dụng có sẵn một vài preset miễn phí, nếu muốn nhiều hơn, bạn sẽ phải mua các gói bộ lọc tại cửa hàng trong ứng dụng. Bạn cũng có thể mua thêm các gói hoạ tiết để mang lại cho ảnh chụp một cái nhìn độc đáo hơn.
Cuối cùng, nếu đang tìm kiếm nguồn cảm hứng, bạn có thể xem ảnh chụp của các nhiếp ảnh gia chuyên về ảnh đen trắng ngay trong ứng dụng.
Hypocam hoàn toàn miễn phí; có bán kèm các gói bộ lọc và hoạ tiết với giá dao động từ 0,99 – 2,49 USD.
Chụp ảnh hoài cổ Vintage – 1998 Cam
Nếu yêu thích các bức ảnh hoài cổ, bạn phải thử ngay 1998 Cam. Đây là một ứng dụng khá đơn giản, nhưng nó cho phép bạn chọn nhiều bộ lọc thời gian thực khi chụp ảnh. Có hơn 100 bộ lọc gồm đủ phong cách hoài cổ để bạn tha hồ trải nghiệm trong ứng dụng.
Tuy nhiên, nhiều bộ lọc sẽ bị khoá khi bạn tải ứng dụng về, cùng với chức năng quay video. Nếu muốn mở khoá mọi thứ, bạn cần bỏ ra 2,99 USD để mua 1998 Cam Pro.
Hiệu ứng thời gian thực – Pixtica
Mới nhìn qua, Pixtica trông như một ứng dụng camera thông thường. Bạn có thể tinh chỉnh độ phân giải và định dạng tập tin, quay video, và thậm chí là tạo ảnh GIF. Tuy nhiên, điều khiến Pixtica nổi bật là các bộ lọc thời gian thực của nó. Bạn có thể biến ảnh và video trông như được vẽ tay hay sơn màu, cùng với nhiều hiệu ứng độc đáo khác. Có hơn 70 bộ lọc để bạn trải nghiệm, cứ kiên nhẫn nhé.
Pixtica là ứng dụng miễn phí, nhưng bạn chỉ được dùng thử một vài bộ lọc thôi. Nếu muốn tất cả các bộ lọc, bạn cần mua Pixtica Premium giá 2,99 USD/năm, hoặc 7,99 USD trọn đời.
Tùy chỉnh các ống kính với nhiều hiệu ứng – Cymera
Cymera cung cấp hàng tá bộ lọc thời gian thực để bạn sử dụng khi chụp ảnh. Tuy nhiên, tính năng độc nhất của nó là các “ống kính” đi kèm. Chúng cho phép bạn chụp nhiều ảnh liên tiếp rồi tự động ghép lại thành một bức collage (ảnh gồm nhiều ảnh nhỏ ghép lại), sử dụng các hiệu ứng như ống kính mắt cá, hoặc tinh vi hơn như ống kính “Sprocket” để thêm hiệu ứng phim hoài cổ vào ảnh. Cymera còn có một “Beauty Cam” với chức năng xoá tàn nhang và một trình biên tập ảnh với khả năng chỉnh màu cùng các công cụ cắt xén khác. Và rất may mắn khi Cymera là ứng dụng hoàn toàn miễn phí.
Phần mềm nổi tiếng được các bạn trẻ hay dùng – VSCO
Kết thúc danh sách là VSCO, một cái tên rất nổi tiếng với các nhiếp ảnh gia di động. Ứng dụng này chỉ có một chế độ camera khá cơ bản, nhưng lại rất tuyệt vời nếu bạn muốn chỉnh sửa chi tiết các bức ảnh. Trong trình biên tập của VSCO, bạn có thể tự chỉnh màu sắc, highlights, độ tương phản, và nhiều thứ khác; hoặc bạn chỉ cần tải về một “công thức” do người dùng khác tạo ra, giống như preset vậy. Bạn cũng có thể sử dụng một trong các bộ lọc được tích hợp sẵn, với đủ phong cách và hiệu ứng.
VSCO là ứng dụng miễn phí, nhưng nếu bạn muốn có nhiều công cụ hơn nữa (như biên tập video chẳng hạn) và hơn 200 bộ lọc, bạn sẽ cần dăng ký thành viên VSCO với chi phí khá cao: 19,99 USD/năm.
Huy Vũ theo ReviewGeeek